Không chỉ giòn, ngọt, mọng nước, táo Honeycrisp – một trong những giống táo ngon nhất thế giới còn ẩn chứa nhiều thông điệp thực sự có ý nghĩa với nền khoa học toàn cầu.
Người Mỹ đã từng có một quan niệm thực sự sai lầm trong hàng thế kỷ về táo, khi cho rằng táo càng đỏ mọng, càng ngon. Và họ chỉ nhận ra sai lầm ấy vào năm 1991, khi một loại táo có màu đỏ cam xuất hiện và càn quét thị trường với hương vị giòn, ngọt, mọng nước.
Đó chính là Honeycrisp – một trong những loại táo nằm trong top ngon nhất thế giới ngay cả vào thời điểm hiện tại.
Honeycrisp – loại táo sinh ra là để ngon nhất
Sự ngon ngọt của táo Honeycrisp được đúc kết từ muôn vàn yếu tố, trong đó có cả khoa học ở cấp độ tế bào. Về cơ bản, tế bào của loại táo này có kích thước lớn hơn bình thường, do đó nó có lượng “không bào” nhiều hơn (vacuole – một cấu trúc quan trọng giúp cây chứa nước).
Lượng nước này có chứa đường, vậy nên hiển nhiên táo Honeycrisp ăn sẽ ngọt hơn. Đồng thời, do mối liên kết giữa các tế bào tương đối chắc chắn ngay cả khi táo chín, nên trái táo ăn sẽ giòn và mọng nước, không bở như táo bình thường. Đó cũng chính là lý do đưa Honeycrisp trở thành loại táo đạt tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường.
Tuy vậy, câu chuyện ra đời của loại táo này là cả một hành trình đáng kinh ngạc.
Hành trình phát triển một loại táo đỉnh cao
Có lẽ ít người biết rằng vào đầu thế kỷ 19, có khoảng… 14.000 loại táo vởi đủ màu sắc, hương vị, kích cỡ khác nhau được bày bán trên toàn nước Mỹ. Nhưng sau đó 100 năm, gần như tất cả đã biến mất do sự phát triển của công nghệ.
Khi công nghệ phát triển, những chuyến tàu bắt đầu được trang bị hệ thống làm lạnh, cho phép vận chuyển táo đi khắp cả Hoa Kỳ. Để cạnh tranh, những trái táo phải lưu trữ được lâu và có màu sắc đỏ mọng bắt mắt.
Vậy nên, các chủ vựa táo đã bằng mọi cách khiến táo của mình thật đẹp mắt, kể cả việc phải hy sinh hương vị táo. Và kết quả là suốt những năm sau đó, ngập tràn thị trường là một loại táo có màu đỏ rực, bóng bẩy, nhưng vỏ cứng và đắng chát.
Nhưng rồi David Bedford – chuyên gia lai giống táo tại ĐH Minnesota xuất hiện. Do quá chán ghét những loại táo ăn thì chán mà vẫn được bày bán, ông quyết định phải tạo ra một loại táo “đỉnh cao” hơn.
Và ông làm được điều đó một cách thật tình cờ, khi nếm thử trái táo của một cái cây được các chủ vườn ươm đánh dấu sẽ chặt bỏ. Ông cảm nhận được vị giòn, ngọt và mọng nước hơn hẳn so với các loại táo trên thị trường, rồi từ đó hạ quyết tâm đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức vào nó.
Cây táo ấy chính là khởi nguồn của giống táo Honeycrisp. Sau hơn 30 năm, đến năm 1991, ông đã chiếm lĩnh thị trường bằng một loại táo, tuy không bắt mắt bằng các loại khác, nhưng sở hữu rất nhiều đặc tính nổi trội hơn.
Đọc đến đây, nhiều người hẳn sẽ thắc mắc rằng vì sao Bedford cần đến 3 thập kỷ để tạo ra Honeycrisp? Nguyên do là vì táo cũng giống như người, các hạt táo bên trong một quả có nhiều điểm khác biệt. Kể cả khi trồng táo từ hạt trong cùng một quả, các cây con sẽ cho ra quả khác nhau – về hương vị lẫn hình dáng.
Vậy nên nếu muốn có một loại táo có hương vị không đổi, cách duy nhất là nhân bản vô tính cây táo ấy bằng hình thức chiết cành. Một cây táo mới cần đến 10 năm để bắt đầu ra quả, nên 30 năm của Bedford là con số hoàn toàn dễ hiểu.
Không chỉ ngon, Honeycrisp là một loại táo có ý nghĩa rất lớn về mặt sinh học
Như đã nêu thì trước khi Honeycrisp xuất hiện, toàn bộ nước Mỹ ngập tràn một loại táo có màu sắc đỏ rực. Và tất cả số táo ấy đều có chung một bộ gene (vì nhân bản vô tính trong cùng một cây).
Thời điểm ấy, 80% giống táo truyền thống đã biến mất, tức là đa dạng sinh học của táo đã giảm đi đáng kể, và đó là tín hiệu nguy hiểm đối với cây trồng. Lúc này, chỉ cần một dịch bệnh đơn giản là đủ để khiến cả nước Mỹ chẳng còn táo mà ăn.
Một sự kiện tương tự như vậy đã xảy ra vào năm 1847 tại Ireland. Khoai tây lúc đó là lương thực chính của quốc gia này, nhưng ở đây lại chỉ phụ thuộc vào một loại khoai tây duy nhất. Hệ quả, một loại nấm đã càn quét số lương thực của Ireland, gây ra một trong những nạn đói nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Vậy nên, sự ra đời của Honeycrisp đã giúp truyền đi thông điệp rằng việc đa dạng hóa các loại táo vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài ra, nó góp phần thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà khoa học, nhằm tạo ra một giống táo mới “lật đổ” ông hoàng Honeycrisp này.
Khi táo được đa dạng về mặt sinh học, sự tồn vong của cả giống nòi sẽ được bảo toàn.