Người ta trồng húng quế chủ yếu làm nguồn cây cho nguyên liệu cất tinh dầu hoặc lấy cây sắc uống chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa đau dạ dày, ăn uống không tiêu.
Trả lời: Húng quế còn gọi là húng giổi, rau é, é tía, é quế, hương thái, pak bua la phe, phak y tou (Lào), mreas preou (Campuchia), grand basilic, basilic commun.
Tên khoa học Ocimum basilicum L, var. basilicum.
Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Mô tả cây
Cây thuộc thảo, sống hằng năm, thân nhẵn hay có lóng, thường phân cành ngay từ dưới gốc, cao 50 – 60cm. Lá mọc đối có cuống, phiến lá hình thuôn dài, có thứ màu xanh trắng hay hơi tía, mọc thành chùm đơn hay phân nhánh với những hoa mọc thành vòng 5 đến 6 hoa một. Quả chứa hạt đen bóng, khi ngâm vào nước có chất nhày màu trắng bao qianh.
Phân bố, thu hái và chế biến
Người ta cho rằng cây này vốn nguồn gốc ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng hiện nay được trồng ở nhiều nước nhiệt đới và ôn đới thuộc châu Á, châu Âu (như Pháp, Đức, các nước thuộc Liên Xô cũ, Ý, Tây Ban Nha,…). Tại những nước này thường trồng với mục đích như hái lá và toàn cây cất tinh dầu dùng làm thuốc hay trong công nghiệp chất thơm.
Ở nước ta, tại miền Bắc trước đây chỉ thấy trồng lấy lá và ngọn làm gia vị. Từ năm 1975, tại một số tỉnh đã trồng trên quy mô lớn để cất tinh dầu húng quế dùng trong công nghiệp chất thơm ở trong và ngoài nước. Ở miền Nam ngoài mục đích để làm gia vị như ở miền Bắc, người ta còn thu hoạch quả (gọi nhầm là hạt để ăn cho mát và giải nhiệt gọi là hột é).
Để làm thuốc người ta chỉ hái lá và ngọn có hoa phơi hay sấy khô. Để cất tinh dầu người ta hái toàn cây, cất tươi hay để hơi héo mới cất.
Công dụng và liều dùng
Ở nước ta trước đây húng quế chỉ thấy được trồng làm gia vị. Tại miền Nam, ngoài công dụng làm gia vị người ta còn thu hoạch hạt để ăn cho mát, hơi có tác dụng chống táo bón. Cho từ 6 – 12g hạt vào nước thường hay nước đường. Đợi cho chất nhầy nở ra rồi uống.
Tại các nước khác người ta trồng húng quế chủ yếu làm nguồn cây cho nguyên liệu cất tinh dầu hoặc lấy cây sắc uống chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa đau dạ dày, ăn uống không tiêu, thông tiểu, nấu nước súc miệng và ngậm chữa đau, sâu răng. Mỗi ngày uống từ 10 – 25g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha. Hạt có thể dùng đắp lên mắt đau đỏ.
Từ năm 1975, tại miền Bắc một số tỉnh đã trồng húng quế với mục đích dùng cây cất tinh dầu dùng trong công nghiệp chất thơm trong nước và xuất khẩu.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)
của GS. ĐỖ TẤT LỢI